Team building có trò chơi phản cảm

Team Building của các đội nhóm hay công ty tổ chức cho nhân viên mục đích cốt lõi là giải trí và kết nối thông qua những trò chơi tương tác với nhau.

Tuy nhiên, nhiều năm nay vấn đề Team Building không còn là vấn đề nữa, nó là Vấn Nạn Quấy Rối Tình Dục Công Khai đúng nghĩa đen.

Sẽ vô cùng khó chịu với người vợ hoặc chồng khi nửa kia của mình bị lôi vào mấy cái trò bẩn thỉu đó. Mà từ chối thực sự không dễ dàng chút nào với đa số mọi người vì nể nang, ngại số đông.

Ông Nguyễn Anh Quân, CEO một công ty chuyên tổ chức team building ở Hà Nội cho biết hình thức này xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000 và phát triển cực thịnh vào những năm 2016 đến 2018. Hiện nay trên khắp cả nước có hàng nghìn các đơn vị cung cấp dịch vụ.

“Tổ chức team building đã thành một ngành nghề, song vẫn chưa có các quy định ràng buộc hoặc đơn vị quản lý sát sao, từ đó xuất hiện một số vấn đề, nổi cộm nhất là gây ra các hoạt động phản cảm”, ông Quân nói.

Hiện tượng này thường gặp ở các công ty nhỏ, thuê các đơn vị tổ chức không chuyên hoặc tự tham khảo và tổ chức.

Ông Quân từng tiếp những người được giao tổ chức công ty có chủ trương muốn các trò chơi hài hước, động chạm cơ thể nam nữ “để cho vui”. “Nhưng những người sếp có chơi đâu mà nhân viên phải chơi, từ đó dẫn đến hội chứng sợ đi team building”, ông nói.

Với mong muốn loại bỏ những game “bẩn”, mới đây thạc sĩ Vũ Văn Cường, giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và CEO một công ty tổ chức sự kiện, lữ hành, đăng một bài viết lên Facebook cá nhân nhằm điểm danh các trò chơi team building và game sân khấu “nhạy cảm – phá hoại hạnh phúc gia đình”.

Dưới bài viết, hàng trăm người chia sẻ từng chứng kiến hoặc bị tham gia những trò chơi tục tĩu. Điển hình nhất là các trò như ép bóng, ăn trái cấm, bú bình, vạch lá tìm sâu…

“Các trò chơi nhạy cảm đang là một trong các nguyên nhân chính khiến nhân viên quay lưng với hoạt động team building công ty tổ chức”, ông Cường cho biết.

Ảnh minh họa

Linh (28 tuổi), nhân viên của một công ty chuyển phát nhanh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chuyến team building năm đầu vào công ty, cô bị đẩy lên sân khấu chơi trò đôi nam nữ dùng miệng chuyền cốc nước. “Lúc biết chơi trò gì, mình không thể xuống sân khấu nữa”, cô kể.

Cũng từ trò chơi này, bức ảnh Linh gần như chạm môi vào đồng nghiệp được đăng lên mạng. Bạn trai Linh nhìn thấy bức ảnh nổi cơn ghen. Hai người cãi nhau to, sau đó là “chiến tranh lạnh” nửa tháng, suýt đường ai nấy đi.

Từ đó Linh sợ chơi các hoạt động tập thể. Trong vai khán giả, cô càng không thể cười nổi với những trò chơi như ăn chuối hoặc dập bóng bằng mông bởi chúng khiến người ta liên tưởng đến hành vi tình dục.

“Mình chứng kiến thôi mà thấy ngượng”, cô gái 28 tuổi kể.

Team building hàng năm của công ty Kim Chi được tổ chức kỹ lưỡng, mỗi năm một chủ đề. Số nhân viên tham gia đến hàng trăm người.

Tuy nhiên nữ nhân viên công ty cung cấp giải pháp thanh toán số ở Hà Nội cho biết các trò chơi là phần khiến cô ghét nhất.

Gắn bó với công ty 6 năm, cô nhiều lần phải tham gia các trò có đụng chạm thân thể với người khác giới như nam nữ buộc chân vào nhau nhảy lò cò, cướp bóng, vượt chướng ngại vật, bế công chúa.

“Có năm chơi đu dây. Không biết vô tình hay cố ý, nam đồng nghiệp được giao nhiệm vụ đỡ tôi đã chạm vào vùng ngực của tôi”, Chi kể.

Chuyến đi năm ngoái có trò “vạch lá tìm sâu” với 6 cặp nam nữ. Trên cơ thể mỗi người nam giấu “10 con sâu” và nhiệm vụ người nữ là tìm ra hết. “Chưa năm nào cơ quan mình có trò táo bạo như vậy. Mọi người ở dưới đều cảm thấy phản cảm”, cô gái 30 tuổi chia sẻ.

Rõ ràng Team building giờ đã biến tướng thành những tệ nạn trong các công ty dù vô tình hay hữu ý. Nên chọn Không Đi là tốt nhất.

Có trích tư liệu từ Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status
DMCA.com Protection Status