Nghe nhanh:
Theo chuyên gia, đây là loại hình đầu tư với lợi nhuận tính bằng lần nhưng tiềm ẩn rủi ro về định giá, phân biệt hàng thật, giả và thanh khoản kém.
Tôi làm nội trợ, suốt ngày quanh quẩn chăm chồng con, lâu lâu đi shopping, ngồi hàng quán cùng những người bạn nội trợ.
Gần đây, một người trong số hội chị em chúng tôi, ăn mặc sang trọng, tiêu xài cao hơn hẳn. Gặng hỏi mãi chị ấy mới nói đang học đầu tư túi hiệu – bỏ vốn lớn để chọn những mẫu túi xách xa xỉ mà chị tự cho là sẽ “hot” trong thời gian tới, chờ đến khi nó tăng thì bán ra ăn chênh lệch.
Chị nói, có mẫu đem lại tiền lời gấp rưỡi, may mắn còn gấp đôi.
Tôi thấy rất ham và định tham gia cùng chị. Chuyên gia cho tôi hỏi, cách đầu tư này có tiềm năng đến mức nào?
Chuyên gia tư vấn:
Trước hết, chủ đề chị đưa ra khá thú vị. Đầu tư túi xách hàng hiệu là một dạng trong đầu tư hàng xa xỉ.
Đây là hình thức bỏ vốn để sở hữu một món hàng (túi xách, đồng hồ, đồ cổ, tranh…) và nắm giữ với kỳ vọng giá trị sẽ tăng, sau đó bán lại để thu về lợi nhuận.
Về cách thức, thông thường chúng ta sẽ “săn lùng” các món hàng hiếm, có giá trị cao được khát khao sở hữu bởi nhiều người am hiểu về chúng.
Loại hình đầu tư này có thể vừa là phụ kiện hoặc trang sức thời trang, vừa có thể kiếm được lãi từ hoạt động mua bán về sau.
Tuy nhiên, yếu tố rủi ro đặt ra là cần phải am hiểu về cách phân biệt hàng thật – giả và phải xác định được giá trị món hàng một cách chính xác để tránh mua “hớ”.
Đây là loại hình có tính phổ biến khá thấp và không phù hợp với đa số người dùng hay nhà đầu tư truyền thống.
Đầu tư túi hiệu nói riêng, đồng hồ, đồ cổ, tranh ảnh là trào lưu đang khá thịnh hành. Tuy nhiên chị cần lưu ý các vấn đề sau.
Yếu tố tiên quyết để giá trị món hàng gia tăng trong tương lai phải là sự khan hiếm, hay nói cách khác chính là sự “độc lạ” hoặc hiếm hoi, thể hiện sự khao khát muốn sở hữu hoặc săn lùng của người sưu tầm hoặc sử dụng.
Để đạt được yếu tố này, thông thường món hàng đó phải được sản xuất ở số lượng ít, ví dụ các mẫu túi xách của Chanel hay Hermes, giá cả mỗi chiếc túi thường cũng sẽ rất cao để thể hiện được sự “đẳng cấp” của người khoác nó trong tay.
Các loại túi này thường có giá vài nghìn đến vài chục nghìn USD, thậm chí lên đến hàng trăm nghìn như Hermes Kelly hay Hermes Birkin.
Tuy nhiên, để sở hữu những chiếc túi này không đơn giản. Nếu mua ở Việt Nam, giá sẽ cao hơn khá nhiều so với các thị trường khác từ 2-30%, tùy mẫu.
Trường hợp chị làm một chuyến ra nước ngoài chỉ để sắm các chiếc túi, chi phí chuyến đi sẽ “ngốn” sạch lợi nhuận đầu tư (trong trường hợp có lợi nhuận).
Nếu mua hàng cũ, chọn được một chiếc túi hàng thật (authentic) là việc không đơn giản đối với một người nội trợ như chị.
Thực tế cũng có dịch vụ kiểm tra entrupy – quét bằng camera siêu nét đến cấu trúc chất liệu nhằm phân biệt hàng thật và giả, nhưng cũng làm tốn kém thêm chi phí. Chưa kể, việc tìm được nguồn đầu vào để mua cũng không hề đơn giản.
Tất nhiên, không phải chiếc túi hiệu nào khi đầu tư đều mang về lợi nhuận. Các thương hiệu Dior, Gucci hay Louis Vuitton vẫn có số ít dòng sản phẩm không thay đổi về giá.
Riêng YSL, thời gian qua ghi nhận khá nhiều mẫu giảm giá trên thị trường thứ cấp. Ngoài ra, các mẫu túi nằm trong bộ sưu tập theo mùa thường sẽ khó bán lại.
Với một người chưa có kinh nghiệm mà đang “thấy rất ham” như chị, việc đầu tư vào loại hình này thật sự rất khó mang lại lợi nhuận, cần phải có thời gian trải nghiệm sử dụng và học hỏi kinh nghiệm từ việc mua bán các sản phẩm này.
Một điểm rất quan trọng mà chị cần xem xét, đây là loại hình đầu tư có thanh khoản kém. Nếu không mua đúng mẫu “hot” được nhiều người săn đón, việc bán lại là cả một vấn đề.
Đối với lĩnh vực đầu tư hàng hiệu, chị có thể tham khảo thêm các loại hình như đồng hồ hoặc tranh. Hình thức tương tự nhưng đa phần phẩm vật sẽ không bị mai một xuống cấp theo thời gian.
Các mẫu đồng hồ hãng Rolex tăng giá khá nhiều từ sau đợt dịch do nguồn hàng khan hiếm. Dòng GMT Master hoặc Daytona có thời điểm giá tăng gấp đôi trong năm 2021.
Nếu đầu tư đúng mẫu, đúng thời điểm xem như vừa có trang sức vừa được lợi nhuận. Các mẫu Patek Philippe như 5205R hoặc dòng Nautilus, giá cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên để sở hữu các mẫu này, dù có sẵn tiền tỷ chưa hẳn đã mua được vì số lượng sản xuất trên toàn cầu rất ít, chỉ vài chục đến vài trăm chiếc hàng năm. Tổng số lượng toàn hãng sản xuất chỉ quanh 60.000 chiếc mỗi năm.
Tranh ảnh hoặc đồ cổ lại là một phạm trù khác. Nếu chọn đúng món “hời”, chị có thể thu lãi tính bằng lần.
Nhưng vấn đề đặt ra là phải có gu thẩm mỹ mới chọn được “hàng tuyển” và xác suất thành công cũng khá thấp. Theo kinh nghiệm của tôi, mua 5-10 bức tranh, nếu may mắn chỉ được một thương vụ thành công.
Nhìn chung đầu tư là một phạm trù khó, thứ càng ít người am hiểu và có nhu cầu sẽ càng khó tham gia và thanh khoản cũng khá thấp. Chị nên dành nhiều thời gian tìm hiểu nếu quyết định đầu tư vào loại hình rất đặc thù này.
Theo: https://vnexpress.net/co-nen-dau-tu-vao-tui-xach-hang-hieu-4616818.html